• THỜI GIAN LÀM VIỆC 7:30 AM TO 4:30 PM
  • HOTLINE: (028) 6295-1025

Cháy máy vì hết... nhớt!

Thứ hai, 25/06/2018, 11:19
hoa_hoe_1

     Rõ ràng càng lúc càng nhiều bệnh nhân gõ cửa thầy thuốc vì bị giày vò với cảm giác "nóng bức" khó tả. Yêu cầu của "khách hàng" tuy ngắn gọn nhưng giải pháp lại không đơn giản. "Nóng", còn gọi là "nhiệt" trong ngôn ngữ tượng hình của thầy thuốc đông y, là tình trạng bứt rứt dù trời mát lạnh. Nhiều người thậm chí chỉ cần ăn trúng món nóng, uống nhầm nước nóng cũng đủ đổ quạu. Tình trạng này vì không phổ cập trong tây y nên thầy thuốc y học hiện đại thường khi lúng túng khi định bệnh mặc dù bệnh do "nhiệt" rất phổ biến trong dân gian.

     Đó chính là điểm lắt léo. Nếu sốt là triệu chứng được xác minh không mấy khó bằng cách dủng nhiệt kế đo thân nhiệt, thì "nóng" trong ngôn ngữ của y học cổ truyền là một hội chứng đa dạng dữa cảm giác chủ quan của người bệnh, nghĩa là hầu như khó đo lường dù hiện hữu, nhất là khi bệnh nhân giả đò nhõng nhẽo.

     Nhiêu khê hơn nữa là phương pháp điều trị. Nếu thuốc hạ nhiệt là giải pháp đơn giản khi gặp sốt cao để "giải nhiệt" thì "thanh nhiệt thiệt nhanh" trong hội chứng "nội nhiệt" phức tạp hơn nhiều".

     Hội chứng "nhiệt" tuy không hẳn mơ hồ đến độ mông lung, nhưng rất đa dạng, trải dài cảm giác bực bội, cái khỉnh thường khi vô cớ bước qua tình trạng mất ngủ, háo động, hay cụ thể hơn nữa với khuynh hướng mụn nhọt ngoài da, biếng ăn, miệng đắng, tiểu gắt, táo bón, hoặc nghiêm trọng hơn nhiều dưới dạng hồi hộp, sợ nóng, nhức đầu, tăng huyết áp...

     Tất cả đều có thể là biểu hiện của tình trạng "tà nhiệt" đang chiếm ưu thế trong cơ thể nạn nhân. Chữa bệnh "nóng" vì thế không dễ, thậm chí lắm khi khiến bệnh nhân thêm "nổi nóng" vì tiền mất tật mang.

     Nếu "sốt" là phản ứng thông thường của hệ miễn dịch do cơ thể tìm cách đối kháng với bệnh nguyên thì cảm giác "nội nhiệt" thường khi là hậu quả của rối loạn nào đó trong khâu thần kinh giao cảm - hệ nội tiết.

     Nếu sốt là dấu hiệu cho thấy sức kháng bệnh vẫn còn đang hoạt động, nghĩa là không hẳn lúc nào cũng bất lợi cho người bệnh, thì "nhiệt chứng" ngược lại, một khi đã xuất hiện là biểu hiện cho thấy chắc chắn có trục trặc đâu đó đã dẫn đến rối loạn biến dưỡng cơ bản. Bệnh vì thế cần được điều chỉnh, càng với phương tiện an toàn càng hay, để đừng gây thêm gánh nặng cho cơ quan có nhiệm vụ giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột, lớp da... Nói chung, ít khi họa vô đơn chí, hội chứng "nhiệt" trong đa số trường hợp là "tác phẩm vụng về" của gia chủ sau nhiều ngày thờ ơ với sức khỏe.

Vi_thuoc_hoang_ky

     Dưới hình thức nào cũng thế, "nhiệt chứng" sớm muộn cũng là đòn bẩy dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng một khi sức đề kháng ngả gục sau nhiều ngày tát nước cầm cự với ngọn lửa riu riu nhưng khó tắt. Khi đó nhiều căn bệnh nhiêu khê thừa nước đục thả câu. Do đó, "giải nhiệt" kịp thời, "thanh nhiệt" định kỳ, bằng phương tiện sinh học là biện pháp để nếu lỡ cháy chỉ cháy xém nhưng đừng cháy rụi.

     Điểm đáng nói trong hội chứng "nội nhiệt" là máu của nạn nhân bao giờ cũng có khuynh hướng đậm đặc vì tiểu cầu tự động kết dính, vì phản ứng đông huyết nội mạch, dù không có nguy cơ xuất huyết, bội tăng dưới ảnh hưởng của dòng máu mất tính kiềm.

     Nói cách khác, nếu có cách nào khiến máu lưu thông điều hòa, thậm chí nhanh chân chút đỉnh, thì mọi hậu quả của tình trạng nội nhiệt bỗng trở thành chuyện... nhỏ. Đó chính là lý do tại sao thầy thuốc cao tay ấn với kinh nghiệm của y học cổ truyền phương Đông bao giờ cũng "hoạt huyết" khi cần "thanh nhiệt".

     Ngược lại, dược thảo gọi là thanh nhiệt cách mấy ít nhiều cũng tác động trên độ loãng của máu. Chính vì thế mà thầy thuốc y học cổ truyền Ấn Độ chọn xuyên tâm liên, thuốc thanh nhiệt, để hoạt huyết cho người bệnh trĩ.

     Với cuộc sống tuy được tiếng văn minh hiện đại nhưng càng lúc càng xa rời thiên nhiên, càng lúc càng tự trói tay trong mê lộ của đủ loại áp lực, bệnh lý do máu "nóng" vì máu quá sệt chắc chắn sẽ tiếp tục là mối nguy của sức khỏe cộng đồng.

     Không chỉ Trái đất đang nóng dần, mà con người thời nay cũng dễ cảm thấy nóng, dễ sợ nóng, và nhất là dễ nổi nóng hơn thời xa xưa. Càng cọ xát càng mau sinh nhiệt. Với dòng máu cũng thế mà thôi.

    Giải pháp ấy vậy mà đơn giản. Tương tự như chiến thuật bóng đá, nhiều khi chỉ cần thủ hòa đã đủ để thắng điểm vào vòng trong. Giữ cho máu loãng vừa phải chính là biện pháp trung dung để cầm chân bệnh thời đại.

Trích từ ấn phẩm "Dinh dưỡng để phòng bệnh"

Theo báo Khoa học phổ thông - Chuyên đề Đông y thế kỉ 21 Số 1318 tháng 08 năm 2017

QC_Che_tri_BTIKG1
Ý kiến của bạn